Trong các mối quan hệ giao tế, rất nhiều lần, chúng ta bắt đầu với việc mời nhau chén trà.
Và sẽ không có gì tuyệt vời hơn với việc bạn mở đầu: “Đây có phải là trà … không?”
Nếu đó chính xác là tên loại trà đang uống, chắn chắn là bạn đã ghi điểm trong mắt người mời trà!
Vậy nhận biết các loại trà có khó không, nhất là khi tôi không phải là người chuyên uống trà?
Dưới đây, bài viết này sẽ phân loại cụ thể 5 loại trà thường gặp, cụ thể về đặc điểm một cách dễ hiểu và có minh họa.
Đọc kỹ bài viết bên dưới, bạn đã có thể nhận biết dễ dàng và trả lời chính xác trên 80% về các loại trà nếu gặp phải.
Nếu bạn hỏi tôi trên thế giới có bao nhiêu loại trà thì thành thật là tôi không biết. Mỗi lần có ai hỏi tôi câu này là tôi lại hay liên tưởng đến việc mình bị lạc vào một kho thuốc đông dược! Ở đây tôi chỉ muốn nhắc đến trà chính hiệu (làm từ giống cây Camellia Sinensis – Họ: Theaceae) vì trên thế giới có đến 3,000 thứ lá cây được dùng làm đồ uống hằng ngày và đều được gọi chung là trà, ví dụ như Việt Nam mình có trà nụ vối, trà dây, trà vằng, trà lá sen, trà la hán quả…
Vì sao có nhiều loại trà như vậy? có 2 lý do như sau:
– Thứ nhất: Toàn thế giới có đến 40 nước trồng trà hằng năm sản xuất ra khoảng 3 triệu tấn trà, tập trung nhiều ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka, Bangladesh, Pakistan, Iran, Việt Nam, Korea, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Nepal, Thái Lan… Ngoài Châu Á ra thì Kenya ở châu Phi, Argentia ở châu Mỹ và Úc cũng là những nước sản xuất nhiều trà. Riêng Trung Quốc đã có trên 200 loại trà.
Cùng một giống trà nhưng trồng ở những nước khác nhau lại cho ra sản phẩm có phẩm chất riêng, do khác biệt về các điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, điều kiện canh tác.
- Thứ hai: Trà được chế biến từ cây Camellia Sinensis, nhưng loại cây này lại có đến 9 giống khác nhau, hằng năm lại có thêm nhiều giống mới do quá trình lai tạo của khoa học nông nghiệp. Từ một cây trà, người ta có thể làm ra nhiều loại trà khác nhau dựa trên quá trình lên men (mức độ oxy hóa lá trà). Mức độ lên men từ 0% đến 100% tạo nên sự đa dạng về hương vị, đó là chưa kể đến các kỹ thuật chế biến khác, các công thức đặc biệt.
Đến đây thì có lẽ bạn đã hiểu là tại sao tôi không thể trả lời cụ thể được là có bao nhiêu loại trà. Người uống trà ở Việt Nam phần lớn tiếp cận được trà của Đài Loan, Trung Quốc, trà Nhật, Ấn Độ, Srilanca nên chắc có ít thông tin chứ trà của các nước khác thì chịu. Cách đây ít lâu tôi có dịp được thử một ít trà xanh của Thái Lan và Hồng trà của Nepal do một người bạn tặng. Hương vị rất đặc biệt!
Có hàng ngàn loại trà trên thế giới như vậy, thì phân loại chúng bằng cách nào? Có một giai đoạn của quá trình chế biến được sử dụng làm thước đo để phân loại các sản phẩm trà.
Quy trình chế biến trà cơ bản trải qua 5 giai đoạn, một số loại trà có thể không có đủ 5 giai đoạn hoặc lặp lại 1 giai đoạn nào đó nhiều lần. Đó là các giai đoạn:
Hái chè: thu hái búp chè hoặc lá chè và đưa về khu vực chế biến
Tách nước: bằng cách làm héo lá chè (héo nắng, héo mát) giúp lá chè mềm ra
Làm dập: bằng cách vò, nghiền hoặc quay lá trà
Oxy hóa: thúc đẩy các enzim trong trà tương tác với oxy trong không khí, quá trình này làm thay đổi thành phần hóa học của trà.
Sấy trà: đình chỉ các phản ứng và làm khô trà.
Trong 5 giai đoạn này, chúng ta cần lưu ý giai đoạn số 4 – Oxy hóa trà, vì đây là giai đoạn quan trọng tạo nên sự đa dạng về hương vị cho trà thành phẩm do trong giai đoạn này thành phần hóa học của lá trà đã thay đổi.
Dựa trên mức độ Oxy hóa trà, hiện nay trà thường được phân thành 3 nhóm chính: Trà Xanh (không oxy hóa), Trà Ô Long (oxy hóa một phần), Trà Đen (oxy hóa toàn phần). Tuy nhiên, để bạn đọc hiểu rõ hơn về các loại trà, trong bài viết này tôi áp dụng chia thành 5 loại (ngoài 3 loại chính thì còn 2 loại nữa cũng rất thường gặp là bạch trà và trà Phổ Nhĩ (Pu’er Tea). Có một loại nữa là trà vàng (hoàng trà) ít gặp, cuối bài viết tôi cũng sẽ đề cập một chút cho bạn đọc.
Dưới đây, để bạn đọc có cái nhìn cụ thể về sự khác nhau, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể về đặc điểm, cách chế biến và công dụng của các loại trà này.